VƯỜN ƯƠM CÂY GIỐNG TIẾN ĐẠT 280 Nguyễn Lương Bằng - TP.Buôn Ma Thuột - Đăk Lăk
Điện thoại: 0944 333 855 - 0967 333 855
Giấy phép kinh doanh: 40A8026362

Hướng dẫn phòng trừ và xử lý bệnh chết chậm trên cây hồ tiêu

Bệnh chết chậm trên cây tiêu (Ảnh: Baoquangbinh.vn)
0

Bệnh tiêu chết chậm hay bệnh chết chậm trên cây tiêu, gây ra nhiều thiệt hại về kinh tế cho nhà nông trồng tiêu. Khi phát hiện bệnh nếu không xử lý kịp thời sẽ khó kiểm soát mức độ lây lan, dễ bùng phát thành dịch và nhanh chóng hủy diệt vườn tiêu. Bài viết này Vườn Ươm Cây Giống Tiến Đạt sẽ cung cấp cho bà con những hiểu biết về loại bệnh này trên cây tiêu, nguyên nhân cũng như hướng xử lý, biện pháp phòng trừ khi tiêu mắc bệnh. Mời bà con cùng tham khảo

Bệnh chết chậm trên cây tiêu
Bệnh chết chậm trên cây tiêu (Ảnh: Baoquangbinh.vn)

Bênh chết chậm trên cây tiêu có nguyên nhân từ đâu?

Bệnh chết chậm còn có tên gọi khác là bệnh tiêu vàng lá, tiêu tuyến trùng… nguyên nhân phát sinh bệnh có rất nhiều, nhưng chủ yếu là do tuyến trùng (Meloidogyne incognita) kết hợp với rệp sáp tấn công rễ, gây ra những thương tổn trên rễ, nhân cơ hội này chủng nấm Fusarium xâm nhập và sinh sôi nảy nở, lây lan sang các bộ phận của cây, phá hủy hệ thống mạch dẫn, thối rễ non, vì thế cây không hút được chất dinh dưỡng và nước từ đất, cây tiêu nhanh chóng suy kiệt, vàng lá và chết dần trong thời gian khoảng vài tháng có thể là 1-2 năm.

Nguyên nhân lây lan là do các bào tử nấm sẽ theo nước mưa, nước tưới, dụng cụ lao động, nhiễm sang các cây khác, do đó bệnh sẽ phát triển mạnh vào mùa mưa.

Các biểu hiện của bệnh tiêu chết chậm

Ở cây trưởng thành: Sự sinh trưởng chậm lại bất thường, vàng lá, lá già vàng trước sau đó đến các lá non, cuối cùng đến các đốt thân. Càng về sau cây suy kiệt rất nhanh và bắt đầu rụng lá, rụng đốt và chết dần. Ban đầu bệnh chỉ xuất hiện ở một trụ tiêu sau đó nhanh chóng lây sang các trụ bên cạnh tạo thành vùng bệnh, nếu trồng chuyên canh lây lan sẽ nhanh hơn so với trồng xen canh. Nếu tiêu có bộ rễ phát triển mạnh, có thể chống chịu bệnh được 2-3 năm, nhưng cuối cùng vẫn chết.

Kiểm tra bộ rễ, sẽ dễ dàng nhận ra dấu hiệu tuyến trùng (tạo ra các nốt sần) hoặc các ổ rệp sáp bám chặt trên rễ. Có thể xuất hiện rải rác hoặc tập trung thành từng đám trên rễ.

Ở cây tiêu tơ mới trồng: Cũng xuất hiện các dấu hiệu tương tự, nếu không quan sát kĩ sẽ dễ kết luận nhầm cây thiếu chất dinh dưỡng, tốt nhất nên quan sát lá, lá sẽ chuyển sang vàng toàn bộ, lá non teo nhỏ, bạc màu, lá vàng nhưng không rụng, ta bới nhẹ phần rễ và quan sát, nếu phát hiện nốt sần hoặc tổ rệp sáp thì khả năng là tiêu đã mắc bệnh và cần được xử lý ngay.

Biện pháp phòng trừ bệnh tiêu chết chậm

Nếu phát hiện thấy cây hồ tiêu có dấu hiệu bị bệnh chết chậm, nên tiến hành loại bỏ ngay trụ tiêu đó, các phần thân, rễ, lá bị bệnh phải đốt và tiêu hủy luôn, sau đó xử lý đất trong hố. Phơi đất ít nhất 1 năm để mầm bệnh bị loại bỏ hoàn toàn. Việc trị bệnh rất tốn kém thường không có kết quả, chủ yếu vẫn nên chủ động phòng trừ bằng các biện pháp như sau:

  • Cây dùng làm giống phải lấy ở những vườn tiêu sạch bệnh, giai đoạn ươm hom nhân giống phải xử lý thật kỹ.
  • Không trồng tiêu trên khu đất mà trước đó đã trồng cà phê, trồng tiêu hoặc cây công nghiệp khác và bị nhiễm tuyến trùng phải phá bỏ. Ta phải tiến hành trồng luân canh 2-3 vụ màu rồi mới trồng tiêu, đồng thời kết hợp với các biện pháp tiêu diệt tuyến trùng còn sót lại như cày xới, phơi đất trong mùa nắng.
  • Cần trộn thêm vào hố trồng tiêu các loại nấm đối kháng như Trichoderma, sau đó hàng năm cần bổ sung thêm thông qua đổ gốc, trộn vào phân chuồng, phun lên lá
  • Vào mùa mưa thường xuyên rong tỉa cành cây trụ sống, tạo sự thông thoáng.
  • Trong những đợt mưa kéo dài phải có biện pháp thoát nước kịp thời như vun cao phần gốc, đào rãnh thoát nước giữa các hàng.
  • Mùa khô khi tưới nước nên tưới dí thay vì tưới béc dễ lây lan mầm bệnh từ cây này qua cây khác.
  • Cắt bỏ các cành ngang sát gốc. Chỉ để lại các cành cách mặt đất ít nhất 20-30cm trở lên.
  • Không lạm dụng phân bón hóa học, chỉ bón vào những giai đoạn nhất định, bón thành nhiều đợt trong năm, bón đúng kĩ thuật (bón khi đất ẩm hoặc hòa tan vào nước) tránh làm xót hỏng rễ tơ, cháy rễ.
  • Bón phân hữu cơ và phân vô cơ với tỷ lệ cân đối. Vừa bảo vệ vi sinh vật có lợi,vừa tăng độ tơi xốp của đất, không nên sử dụng thuần phân hóa học làm đất dễ bị chua, bị chai cứng, tạo môi trường thuận lợi cho nấm bệnh phát triển.
  • Định kì hàng năm (nhất là vào mùa mưa) phun các loại thuốc trị tuyến trùng, trị rệp sáp, chủ động phun phòng trừ trước mặc dù chưa có dấu hiệu của bệnh.
  • Trong quá trình chăm sóc tiêu, hạn chế các tác động làm tổn thương bộ rễ, thay vì dùng cuốc, cuốc cỏ ở phần gốc nên nhổ bằng tay sẽ an toàn hơn mặc dù tốn công.
  • Có 1 biện pháp tối ưu khác đó là sử dụng các giống tiêu sinh trưởng mạnh, năng suất cao như tiêu vĩnh linh, tiêu trâu, tiêu sri lanka… đây là những giống tiêu có khả năng phát triển và phục hồi bộ rễ cực nhanh, sẽ hạn chế được phần nào bệnh tiêu chết chậm

Biện pháp xử lý khi cây mới nhiễm bệnh

Khi phát hiện sớm cây có dấu hiệu bị bệnh, ta xử lý ngay bằng các loại thuốc đặc trị nấm và trừ tuyến trùng rệp sáp như Trepach Bul 607SL, Alpine 80WP, TUNGENT 800WDG, Mexyl MZ 72WP, vừa đổ gốc kết hợp với phun 1 tháng 1 lần cho đến khi cải thiện được các dấu hiệu.

  • Nếu cây phục hồi tốt, ta sẽ dùng các chế phẩm BioSol, BioGel bổ sung vào gốc (đúng hướng dẫn trên bao bì sản phẩm)
  • Khi cây mới chớm bệnh việc dùng thuốc mới có hiệu quả, còn nếu cây bị nặng chỉ nên phá bỏ và tiêu hủy, xử lý đất trồng và thay thế cây khác.

Như vậy, qua những thông tin vừa rồi, hy vọng bà con đã có thêm kiến thức để phòng trừ cũng như xử lý bệnh tiêu chết chậm. Ở bài viết sau chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về bệnh tiêu chết nhanh. Đây cũng là một bệnh gây ám ảnh cho bà con trồng tiêu, thậm chí mức độ tàn phá còn ghê gớm hơn nhiều, do tốc độ lây lan khá nhanh và khó kiểm soát. Cảm ơn bà con đã theo dõi.

Bình luận
Loading...