VƯỜN ƯƠM CÂY GIỐNG TIẾN ĐẠT 280 Nguyễn Lương Bằng - TP.Buôn Ma Thuột - Đăk Lăk
Điện thoại: 0944 333 855 - 0967 333 855
Giấy phép kinh doanh: 40A8026362

Kỹ thuật hãm ngọn tiêu – đôn tiêu – cắt tỉa tiêu kinh doanh

Hướng dẫn kỹ thuật đôn tiêu hãm ngọn tiêu
0

Kỹ thuật hãm ngọn đối với tiêu ác hoặc đôn tiêu đối với tiêu lươn là một khâu quan trọng trong quy trình chăm sóc cây tiêu, kĩ thuật tạo hình này giúp cho tiêu phát triển cân đối, nhanh phủ trụ, năng suất trên mỗi trụ đạt được mức tối đa. Bài viết này sẽ bao gồm 3 phần: hãm ngọn tiêu ác, Đôn tiêu lươn, cắt, tỉa tạo tán tiêu kinh doanh.Mời bà con cùng tham khảo

Hướng dẫn kỹ thuật đôn tiêu hãm ngọn tiêu
Hướng dẫn kỹ thuật đôn tiêu hãm ngọn tiêu

Trước tiên chúng ta hãy cùng tìm hiểu và sự khác biệt khi sinh trưởng của tiêu lươn và tiêu ác. Sau đó mới đi sâu vào kỹ thuật chi tiết, để từ đó lựa chọn giống tiêu phù hợp cho vườn tiêu.

Cách buộc dây tiêu, tiêu lươn và tiêu ác

  • Cách buộc dây tiêu: dây buộc là dây nilon mềm, hạn chế dùng dây chuối, dây bện từ vỏ cây, dễ phát sinh nấm bệnh buộc. Vị trí buộc bên trên đốt tiêu khoảng 1-2cm. Đối với trụ sống, khi tiêu đã bám vững cần chú ý quan sát và nới lỏng dây hoặc tháo bỏ hẳn dây buộc. Tránh trường hợp thân cây trụ sống chèn ép dây tiêu do thân trụ sống phát triển quá nhanh.
  • Tiêu lươn: leo trụ rất nhanh, sau khi trồng sẽ chỉ mọc ra dây thân (không mang cành quả) việc buộc tiêu cần tiến hành liên tục. Tiêu sẽ chỉ ra cành khi cao khoảng 1,5 – 1,8m, nếu để tiêu thòng hoặc bò trên mặt đất sẽ không ra cành được. Tuổi thọ, năng suất của tiêu trồng bằng dây lươn thường cao hơn, ổn định hơn trồng bằng dây ác tuy nhiên thời gian ra trái thường chậm hơn.
  • Tiêu ác: dây thân, cành tay phát triển ngay sau khi trồng, khả năng bám trụ cũng rất nhanh, việc buộc tiêu vào trụ cần phải làm ngay, tiêu leo đến đâu buộc ngay đến đó. Trồng tiêu ác nhanh đẻ cành quả, phủ trụ sớm, nhanh thu hoạch nhưng bù lại cây mau cỗi, năng suất giảm dần về sau.

Kỹ thuật hãm ngọn tiêu ác

Nếu trồng tiêu bằng dây ác, ta tiến hành hãm ngọn sau khoảng 1 năm (12-14 tháng) để kích thích cành tay, dây thân phát triển nhiều hơn. Việc hãm ngọn có 2 trường hợp

  • Hãm ngọn ở độ cao 80-100cm: Nếu không có nhu cầu lấy hom giống.
  • Hãm ngọn ở độ cao 30cm, tận dụng các dây tiêu bánh tẻ, có từ 5-6 đốt dùng làm hom tiêu giống: Nếu ta có nhu cầu lấy hom giống tiêu.
  • Trường hợp phần gốc thưa ít cành lá thì vẫn hãm ngọn ở độ cao thấp, nhằm làm tăng số lượng dây tiêu trên mỗi trụ. Mặc dù không có nhu cầu lấy hom giống.
  • Sau khi hãm ngọn, từ các đốt sẽ mọc ra dây thân mới, tùy theo loại trụ trồng tiêu mà ta giữ lại số lượng dây khác nhau. Trụ bê tông, cọc gỗ: 5-7 dây. Trụ cây sống: 6-8 dây. Trụ gạch tròn 20-30 dây… Yêu cầu các dây để lại phải phân bổ đều quanh trụ. Các dây yếu, mọc sát nhau quá cũng nên cắt bỏ.

Khi hãm ngọn cần tiến hành vào đầu mùa mưa, tránh các ngày mưa dầm,ngăn ngừa các loại nấm bệnh dễ lây lan, xâm nhập từ vết cắt.

Trường hợp sử dụng trụ tạm, ta cứ để tiêu leo trên trụ tạm trong năm đầu tiên, khi đủ điều kiện đôn hoặc hãm ngọn thì mới chuyển dần qua trụ chính, chỉ chuyển 2-3 dây trong năm 1, sang năm 2 mới chuyển toàn bộ qua trụ chính

Kỹ thuật đôn tiêu lươn

Tiêu lươn sau khi trồng khoảng 12-14 tháng đủ dinh dưỡng, buộc dây cẩn thận vào trụ thì sẽ mọc ra cành tay (cành mang quả – Đặc biệt với các giống tiêu phát triển nhanh như: Tiêu trâu, tiêu vĩnh linh, tiêu sri lanka…). Các lá già ở phần gốc dưới vị trí mọc cành quả ta tiến hành vặt bỏ hết. Một tuần sau đó ta sẽ tiến hành đôn tiêu. Các dây tiêu có thể đôn là dây đã đủ độ già, không quá non, mỗi dây đã mọc cành tay ít nhất là 2-3 cành.

  • Sau khi đã vặt bỏ lá, ta nhổ cỏ trong bồn rồi đào rãnh xung quanh trụ, rãnh sâu 10-15cm cách trụ khoảng 20-30cm.
  • Dùng tay nhẹ nhàng gỡ dây tiêu khỏi trụ theo chiều từ dưới lên. Hạn chế tối đa làm đứt rễ, xước thân.
  • Đặt dây tiêu đã gỡ vào rãnh theo chiều thuận của cây (ví dụ cây nghiêng sang trái thì uốn cong về bên trái). Nên đặt theo vòng tròn.
  • Phần cành buộc và chia đều quanh trụ.
  • Lấp đất vào rãnh, nén nhẹ, nếu đúng kĩ thuật rễ sẽ mọc ra từ các đốt trong khoảng 15-20 ngày sau khi đôn.
  • Trong suốt thời gian đôn tiêu không nên bón phân, nên bón từ trước 1 tháng hoặc sau 1 tháng nếu cần bổ sung phân bón, bón cách rãnh đôn khoảng 20-30cm.
Lưu ý: Việc đôn tiêu có tác dụng làm phát triển bộ rễ cho tiêu, tăng số lượng dây bám lên trụ, tăng độ phủ trụ và làm tăng năng suất. Trồng tiêu bằng dây lươn không thể bỏ qua kỹ thuật đôn tiêu. Trường hợp tiêu bò cao mà cành tay không phát sinh, ta dùng kéo cắt bỏ phần ngọn để gây ức chế cho tiêu sinh ra cành. Nên thực hiện đôn tiêu trong mùa mưa vào ngày khô ráo.

Cắt tỉa cành tạo tán cho tiêu kinh doanh

Nhìn chung nếu thực hiện đúng kỹ thuật đôn tiêu lươn, hãm ngọn tiêu ác thì tán tiêu sẽ cân đối vì lượng dây tiêu trên trụ lúc này phân bố rất đồng đều, về sau chỉ cần thực hiện các công việc:

  • Sau vụ thu hoạch, cắt bỏ hết các cành quả đã cho quả, đã già cỗi,
  • Mùa mưa khi tiêu phát triển mạnh, cắt bỏ các dây tiêu thòng (dây thân không có chỗ đeo bám) đem nhân giống hoặc cung cấp cho các vườn ươm tiêu giống để cải thiện thu nhập
  • Các cành ngang, cành lá ở gần gốc cách mặt đất ít nhất 20-30cm cần chú ý cắt tỉa thường xuyên.
  • Hãm ngọn khi tiêu bò đến đỉnh trụ. Để tiêu dồn dinh dưỡng phát triển cành lá bên dưới.

Rong tỉa cành cho cây trụ sống

Khi trồng tiêu trên trụ sống Một khâu quan trọng không kém là tiến hành rong tỉa cành cho cây trụ sống. Rong tỉa cành mỗi năm 1-2 lần, đầu và cuối mùa mưa. Cưa ngang để hãm ngọn khi cây trụ sống đạt chiều cao mong muốn. Hãm ngọn xong nếu thời tiết mưa nhiều thì phải dùng túi nilon bọc lại, tránh thấm nước gây sâu bệnh, hỏng trụ

Như vậy qua bài viết này, bà con đã nắm thêm được cách hãm ngọn tiêu ác và kỹ thuật đôn tiêu lươn. Bài viết đúc kết từ kinh nghiệm thực tế của người viết và tham khảo một số tư liệu trên internet, không tránh khỏi thiếu xót, rất mong được bà con bổ sung và chia sẻ thêm. Xin cảm ơn!

Bình luận
Loading...