Quy trình kỹ thuật trồng cà phê đạt năng suất cao
Tóm tắt nội dung
Hướng dẫn kỹ thuật trồng cà phê, chăm sóc cây cà phê hiệu quả đạt năng suất cao và ổn định. Bài viết này dựa vào kinh nghiệm trồng cà phê thực tế của người viết cũng như tham khảo một số tài liệu trên internet. Mời bà con cùng tham khảo để có một vụ mùa bội thu.

Như bà con đã biết, cây cà phê được xem là cây trồng chủ lực tại Tây Nguyên, các tỉnh thành lân cận và một số khu vực khác ở miền Bắc. Việt Nam hiện tại là nước đứng thứ 2 về xuất khẩu cà phê. Chỉ sau Brasil. Chủ yếu là xuất khẩu cà phê vối. Những năm gần đây, giá cà phê ổn định ở mức 35.000 – 40.000đ/1kg, góp phần không nhỏ vào kinh tế, cải thiện thu nhập cho bà con nông dân. Sau đây là một số kỹ thuật chăm sóc cà phê đạt năng suất cao và ổn định (chủ yếu tập trung vào kỹ thuật trồng cà phê vối)
1 – Nguồn gốc cây cà phê
- Tham khảo tại bài viết sau >>> Nguồn gốc cây cà phê ở Việt Nam
2 – Yêu cầu khí hậu và đất trồng trồng cà phê
- Về khí hậu: Cây cà phê thích hợp với khí hậu nóng ẩm nhiệt đới, nhiệt độ sinh trưởng tốt vào khoảng 20-26 độ C. Riêng cà phê chè thích nghi với khí hậu lạnh hơn 16-22 độ C. Độ cao ưa thích so với mực nước biển là 800 – 2000m. Yêu cầu phải có sự phân chia rõ rệt giữa 2 mùa mưa nắng để cây có thời gian ức chế phân hóa mầm và hoa. Lượng mưa trung bình từ 1.700 – 2.000mm/năm
- Về đất đai: Đất trồng cà phê phải có độ màu mỡ từ trung bình đến cao. Tầng canh tác phải sâu từ 0.8 – 1m. pH của đất trồng từ 5.0 – 6.5. Thoát nước tốt không bị ngập úng. Có thể trồng cà phê trên đất đỏ bazan, đất xám, đất thịt pha, một số giống cà phê còn thích nghi được với đất bauxit nghèo dinh dưỡng (như giống cà phê xanh lùn, giống Thiện Trường…)
- Về cường độ chiếu sáng, mức độ gió: Cây cà phê thích nghi với ánh sáng tán xạ, gió vừa phải. Do đó vườn cà phê luôn phải trồng các loại cây che bóng và cây chắn gió. Xung quanh vườn cà cần phải trồng các vành đai bằng các loại cây trồng rừng, cây lâm nghiệp.
Xin lưu ý: Đối với đất mới khai hoang, đất đang trồng các loại cây khác hoặc đất trồng cà phê lâu năm nay trồng mới lại. Cần phải cày xới đất, bổ sung thêm phân hữu cơ, phơi đất và trồng các loại cây hoa màu ít nhất 2-3 vụ trước khi trồng cà phê
3 – Mật độ trồng cà phê
- Cà phê chè: Trồng 2m x 1m mỗi hecta khoảng 4.000 – 5.000 cây
- Cà phê vối: Trồng 3m x 3m hoặc 2,5m x 3m đối với đất dốc. Mỗi hecta khoảng 1.100 – 1.350 cây
- Cà phê mít: Trồng xung quanh vườn cà phê vối/chè. Hoặc trồng thuần với khoảng cách 5m x 5m – 7m x 7m. Mỗi hecta khoảng 700 cây
4 – Chọn giống cà phê
- Cà phê chè: hiện tại có các giống từ TN1, TN2… đến TN10, trong đó giống TN1, TN2 có nhiều ưu điểm vượt trội và được Bộ NN & PTNT công nhận giống đầu dòng
- Cà phê vối: Nổi bật nhất về năng suất, sinh trưởng mạnh và chống chịu bệnh tốt phải kể đến các giống sau
– Giống do Viện Eakmat nghiên cứu: Giống cà phê TR4, giống cà phê TR9, giống vối lai TRS1
– Giống do Sở Nông Nghiệp Lâm Đồng công nhận: Giống cà xanh lùn TS5, Giống Thiện Trường, Giống lá xoài HT1
– Một số giống khác do bà con tự nghiên cứu chọn lọc đã hoặc đang đăng ký cây đầu dòng: Giống cà phê dây Thuận An, Giống cà phê Ea Tar…
– Các giống kể trên đều có năng suất trung bình từ 5-7 tấn / hecta. Chăm sóc tốt có thể đạt 10 tấn / hecta - Có thể sử dụng giống cà phê ghép hoặc giống cà phê thực sinh (cà phê ươm từ hạt). Cà ghép sẽ cho năng suất cao và chuẩn giống, nhưng bù lại chăm sóc khó hơn và mau già cỗi hơn cà thực sinh

5 – Thời vụ trồng cà phê
Cà phê nên trồng vào đầu mùa mưa khoảng tháng 4 – 6 DL, ngoài ra cũng có thể trồng cuối mùa mưa (tháng 9-10 DL). Nếu trồng vào cuối mùa mưa nên chọn cây giống đã lớn (loại 2 năm đã phân cành) và phải tiến hành chăm sóc kỹ vào mùa khô, đặc biệt là khâu tưới nước, giữ cho cây đủ độ ẩm phát triển.
6 – Chuẩn bị đất và đào hố trồng cà phê
- Chuẩn bị đất: Ngoài các yêu cầu đã nêu ở phần 1, đất trồng cà phê cần được dọn sạch cỏ rác, rễ cây… cày xới cho tơi xốp bằng phẳng. Rắc thêm vôi bột để điều chỉnh độ pH cho phù hợp.
- Đào hố trồng cà phê: Công việc này cần được chuẩn bị trước 1 tháng trước khi xuống giống. Bảo đảm đủ thời gian để phân bón lón phân hủy hoàn toàn, hệ vi sinh kịp phát triển, như vậy sẽ hạn chế được tỷ lệ cây con bị chết
– Hố trồng có kích thước 60 x 60 x 60cm
– Bón lót: 15-20kg phân chuồng hoai mục + 0,3 – 0,5 kg supe lân + 0,3kg phân khoáng vi lượng
– Trộn phân với lớp đất mặt, còn đất ở dưới sâu thì để riêng dùng tạo bồn. Sau khi trộn lấp đầy hố, vun cao 5-10cm rồi dùng chân giẫm nhẹ. Nếu trời không có mưa, cần tưới đẫm hố trồng.
7 – Kỹ thuật xuống giống cà phê
- 1 tháng sau khi đào hố ta tiến hành xuống giống, tùy theo kích thước bầu ươm mà bới lỗ to hơn bầu 5-10cm ở chính giữa hố, nhớ căn cho thẳng hàng, thẳng cây
- Xé nhẹ bao nilon của bầu ươm, tránh làm vỡ bầu, đối với cây cà ghép, cắt bỏ phần rễ và đất ở đáy bầu (khoảng 2cm tính từ đáy)
- Đặt cây vào chính giữa hố, mặt bầu thấp hơn mặt đất 5cm, lấp đất đồng thời nén nhẹ xung quanh, bảo đảm không bị khoảng trống, cây sẽ sinh trưởng yếu
- Sau khi trồng bà con tiến hành đánh bồn đường kính 1m-1m2, sâu 25-30cm, nén chặt thành bờ để tránh nước mưa xói mòn lấp mất cây
- Khi trồng xong cần tưới nước ngay nếu trời không mưa, trồng cuối mùa mưa hoặc mùa khô cần tiến hành che nắng cho cây, phủ gốc bằng rơm rạ, vỏ trấu, xác bèo…
8 – Kỹ thuật chăm sóc định kỳ
Trồng cây chắn gió
Thời gian đầu mới trồng và trong suốt quá trình sinh trưởng, cây rất cần được chắn gió. Gió mạnh dễ làm cây gãy đổ, hoa khó thụ phấn gây giảm năng suất. Nên trồng cây chắn gió bằng các loại cây muồng vàng, cây đậu xăng… Trồng với khoảng cách 2-3 hàng cà, 1 hàng cây chắn gió. Khi trồng chỉ cần dùng cuốc kéo 1 rãnh, sau đó rải hạt giống muồng vàng xuống, cây rất dễ sống. Có thể tận dụng cành lá xác cây làm vật liệu ép xanh, cải thiện độ màu mỡ của đất

Trồng cây che bóng
Cà phê thích ánh sáng tán xạ, nên nhất thiết phải trồng các cây che bóng ở tầng cao. Ngoài ra việc trồng cây che bóng còn giúp giảm sự thoát nước trong mùa khô. Các loại cây phù hợp để làm cây che bóng bao gồm: Cây sầu riêng, Cây bơ, Cây điều… Ngoài ra nếu trồng tiêu bằng cây trụ sống xen canh với cà phê cũng có tác dụng che bóng và cải thiện thêm thu nhập
Cây che bóng được trồng với mật độ 9x9m hoặc 12x12m. Có thể trồng ở ngã tư giữa các bồn, hoặc dành riêng một vị trí trong hàng cà.
Làm cỏ cà phê
- Giai đoạn kiến thiết: Có thể trồng xen các loại cây hoa màu họ đậu, cải thiện thu nhập, tăng lượng hữu cơ trong đất. đồng thời ức chế được cỏ dại phát triển
- Giai đoạn kinh doanh: Mỗi năm làm cỏ 4-5 lần, đặc biệt là vào mùa mưa và thời điểm chuẩn bị bón phân. Làm cỏ giúp hạn chế mầm bệnh, giảm sự cạnh tranh dinh dưỡng (do cà phê có nhiều rễ cám hút chất dinh dưỡng ở tầng mặt)
- Khi làm cỏ cần làm trên thành bồn và cả dưới lòng bồn, hạn chế dùng thuốc xịt cỏ. Xác cỏ có thể đào rãnh để ép xanh
Kỹ thuật làm bồn cho cà phê
Có thể tận dụng những đợt làm cỏ trong mùa mưa để kết hợp làm bồn cho cà phê. Thành bồn cao 25-30cm, mở rộng dựa theo tán cây, khi nào cây giao tán thành bồn chạm vào thành bồn bên cạnh, thì ngưng làm bồn. Tuy nhiên hàng năm vẫn phải gia cố lại bồn cà phê, tránh bồn bị xói mòi, gây khó khăn cho việc tưới nước, bỏ phân
Cắt tỉa cành tạo tán cà phê
- Cà phê mới trồng đến năm thứ 3 khi chiều cao cây đạt 1,6 – 1,8m thì tiến hành hãm ngọn
- Nếu tán còn thưa có thể nuôi thêm 1-2 chồi thân chính, từ gốc mọc lên.
- Hàng năm tiến hành làm chồi cho cây đặc biệt vào mùa mưa, giai đoạn trước và sau khi bón phân. Khi làm chồi ta tiến hành vặt bỏ các chồi vượt, chồi mọc từ thân, từ cành lớn. Dùng kéo cắt cành cắt bỏ các cành khô, cành còi cọc, sâu bệnh, cành đã hết khả năng ra trái (cành dài, đầu cành chỉ còn 4-5 cặp lá). Khi cắt các cành già nên để lại khoảng 10-20cm từ thân, nhằm tạo ra cành thứ cấp mới
- Cà phê lâu năm già cỗi, năng suất dưới 1 tấn/hecta, cần tiến hành cưa đốn phục hồi, thời vụ cưa vào khoảng tháng 2-3 DL. Cưa cách gốc 20 – 30cm, cưa vát góc 45 độ. Sau khi cây nảy chồi mới thì chọn giữ lại 2-3 chồi khỏe mạnh nhất, phân bố đều để tạo thân mới
Tưới nước cho cà phê
- Mùa khô cần thường xuyên tưới nước cho cà phê, mỗi đợt cách nhau 20-25 ngày đối với cà phê kinh doanh, 10-15 ngày đối với cà phê kiến thiết (năm 1 đến năm 3)
- Có thể kết hợp tủ gốc băng rơm rạ, vỏ trấu, xác bèo…
- Nếu có cây che bóng, không nên rong tỉa vào mùa khô, tránh ánh nắng chiếu xuống vườn quá nhiều làm thất thoát độ ẩm
- Trong những đợt tưới có thể kết hợp bón phân mùa khô.
- “Tưới dí” vào bồn, “tưới béc” hoặc tưới nhỏ giọt tùy vào tình trạng nguồn nước, giai đoạn cây đang nở hoa hay không
Lưu ý: Khi tưới cần tưới đồng loạt, nếu gặp mưa trái mùa cũng phải tiến hành tưới toàn bộ vườn, nhằm tạo sự ra hoa đồng đều bảo đảm về năng suất
Kỹ thuật bón phân cho cây cà phê
- Xem bài viết sau: Hướng dẫn bón phân cho cà phê (đang cập nhật)
Kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh
- Xem bài chi tiết: Hướng dẫn phòng trừ sâu bệnh trên cây cà phê (đang cập nhật)
9 – Thu hoạch và bảo quản cà phê
- Khi hái nên để cà chín đồng loạt từ 80 – 90% diện tích, không nên hái quá xanh
- Hái bằng tay, vặt quả khỏi chùm cẩn thận, không nắm cành tuốt cả cành
- Hạn chế làm rụng nhiều lá, gẫy cành chính, cành thứ cấp, cành dự trữ
- Khi hái cần trải bạt xung quanh gốc, tránh để quả lẫn với đất
- Quả thu hoạch xong cần được phơi hoặc sấy ngay. Nếu phơi năng có thể mất đến 1 tuần 10 ngày quả khô hoàn toàn, trước khi phơi có thể dùng “cối xay tươi” xay nhẹ cho phần vỏ vụn ra, phơi sẽ nhanh hơn
- Trường hợp chưa thể phơi sấy, nên vun cà thành luống cao khoảng 40cm trên nền xi măng.
- Cà nhân cần được đo độ ẩm trước khi cất vào kho bảo quản. Sau 1-2 tháng cần mang cà ra phơi lại để hạn chế nấm mốc, độ ẩm tăng
Như vậy qua bài viết này, bà con đã nắm được kinh nghiệm và kỹ thuật trồng cà phê. Ngoài việc chọn giống cà phê năng suất cao + chuẩn giống, thì khâu chăm sóc cũng có tính quyết định đến năng suất, độ bền vững của cây. Chúc bà con vụ mùa bội thu
Khi có nhu cầu mua cây giống: Cà phê, tiêu, điều, bơ, sầu riêng… Hãy liên hệ vườn ươm Tiến Đạt theo địa chỉ sau
Vườn ươm giống cây trồng Tiến Đạt
Điện thoại: 0944 333 855 (Chị Thu)
Địa chỉ: 304/57 Nguyễn Lương Bằng, Xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk
Email: vuacaygiong.bmt@gmail.com – Giấy phép KD: 40A8026362
Xin cảm ơn!