Nguyên nhân và cách phòng trừ một số loại sâu bệnh trên cây bơ
Tóm tắt nội dung
Tìm hiểu một số loại sâu bệnh trên cây bơ, nguyên nhân và cách phòng trừ sâu bệnh trên cây bơ một cách hiệu quả nhất. Bài viết được tổng hợp từ kinh nghiệm cá nhân và một số nguồn uy tín. Mời bà con cùng tham khảo và bổ sung để bài viết hoàn thiện hơn. Cám ơn bà con đã theo dõi
Thời điểm hiện tại đang giữa mùa mưa, độ ẩm tăng cao là nguyên nhân chính để các loài sâu bọ, côn trùng cũng như nấm bệnh phát triển và tấn công cây trồng. Cây bơ cũng nằm trong số các cây trồng bị ảnh hưởng. Đặc biệt đây cũng chính là thời điểm bơ đang thu hoạch (đối với bơ chính vụ) hoặc đang nuôi trái (đối với giống bơ trái vụ). Nếu không phòng trừ có thể làm cho bơ giảm năng suất, giảm giá trị thương phẩm hoặc ảnh hưởng đến sinh trưởng.
Sâu bệnh trên cây bơ có thể chia làm 2 loại
- Bệnh do sâu bọ côn trùng gây nên
- Bệnh do nấm bệnh vi khuẩn gây nên
1 – Các loại côn trùng sâu bọ gây hại trên cây bơ
Sâu ăn lá cây bơ
Nhìn chung các loại sâu ăn lá thường chỉ ăn một loại lá nhất định, nhưng nếu số lượng thức ăn không đáp ứng đủ chúng có thể chuyển qua ăn lá của các cây lân cận, đối với sâu ăn lá cây bơ cũng vậy. Nhiều trường hợp trồng bơ xen canh với các loại cây khác, khi sâu bệnh bùng phát cũng có thể ảnh hưởng đến cây bơ. Tuy nhiên phổ biến nhất vẫn là 3 loài sâu với đặc điểm nhận dạng như sau
- Loại 1: Sâu trưởng thành có màu xanh, trên thân phủ một lớp phấn màu trắng, kích thước có thể to bằng ngón tay cái, ăn cả lá non lẫn lá già
- Loại 2: (Seirarctia echo) Sâu màu đỏ, có những vằn màu đen, trên thân có nhiều lông tơ màu đen, kích thước con trưởng thành bằng cỡ đầu đũa, dài 2-3cm
- Loại 3: (Feltia subterrania F) Sâu màu xanh, mình mềm, kích thước nhỏ, chủ yếu chỉ ăn lá non và đọt non
- Thời điểm gây hại chính của 3 loại sâu này là vào đầu mùa mưa, bắt đầu từ tháng 5 DL cho đến tháng 6 DL thì giảm dần
Sâu cuốn lá bơ
Nhìn chung loại này ít ăn lá, nhưng thường tìm đến lá bơ để làm tổ (hóa nhộng trước khi lột xác thành bướm). Chúng làm cho các phần lá bị cuộn tròn, giảm quang hợp, thời gian sau sẽ khô và rụng dần.
Sâu đục thân đục cành cây bơ
Gọi là sâu vì chúng có hình dáng giống con sâu nhưng thực tế đây là ấu trùng của một số loài bọ cánh cứng hoặc bướm, con trưởng thành thường đậu vào thân cây, cành cây, đẻ trứng vào các nách cành, kẽ nứt trên vỏ. Trứng sau khi nở thành ấu trùng liên tìm cách đục qua lớp vỏ và ăn dần vào phần mạch gỗ.
Trong quá trình di chuyển và sinh sống trong thân cây, chúng làm cho hệ thống mạch dẫn bị cắt ngang, việc truyền dưỡng chất và nước bị cản trở, cành phía trên trở nên vàng và kém phát triển, bên cạnh đó phần chất thải của chúng thải ra còn là môi trường lý tưởng để các loại nấm phát triển, gây ra bệnh thối thân xì mủ (sẽ được trình bày ở phần sau)
Trường hợp cây đã trưởng thành, sâu đục thân khó làm cho cây chết nhưng thân cành sẽ dễ gẫy đổ khi có gió mạnh hoặc khi bà con leo trèo trên cây để thu hoạch
Bọ xít muỗi và các côn trùng chích hút cây bơ
Gây hại quanh năm, bất kỳ thời điểm nào cây ra chồi non đều có thể gặp phải các loài chích hút, đặc biệt là bọ xít muỗi. Do đặc tính hay di chuyển nên rất khó phát hiện, khi chồi non bị chích hút nhiều, trở nên khô héo, biến dạng thì đã quá muộn để can thiệp, biện pháp chủ yếu là phòng trừ, đặc biệt đối với các cây bơ giai đoạn kiến thiết (1-3 năm tuổi) cần phải quản lý tốt để giúp cây sinh trưởng bình thường
Bọ cánh cứng ăn lá cây bơ
Thường gây hại vào buổi tối, ban ngày chúng ẩn nấp dưới đất hoặc các vị trí rất khó quan sát, thường ăn lá trên các cây còn nhỏ 1-2 năm tuổi, nếu không phát hiện kịp thời có thể ăn sạch lá cây chỉ trong 1 đêm. Chúng thường có màu vàng hoặc hơi nâu, đôi khi có sọc dọc trên thân. Thân ngắn, lưng tròn và nhô cao
Các loài rệp sáp, rầy bông gây hại trên lá và rễ bơ
Đọt non, các mắt ghép, kẽ lá, kẽ cành, thậm chí là bộ rễ là những vị trí mà rệp sáp rất hay trú ngụ và gây hại, thường gây hại quanh năm, nhiều nhất vào mùa khô, vị trí bị rệp sáp chích hút nhựa thường bị biến dạng, ngừng sinh trưởng. Chất thải của chúng còn làm cho nấm bệnh (nấm muội, nấm hồng…) phát triển, gây ảnh hưởng đến quang hợp và hấp thu dinh dưỡng của cây
Côn trùng ăn rễ cây bơ
Thường là các loài dế, ấu trùng ve sầu, ấu trùng bọ cánh cứng… chúng trú ngụ trong đất, làm tổ cạnh rễ cây. Ăn chất dinh dưỡng từ rễ cây hoặc quá trình làm tổ vướng rễ thì cắn ngang. Làm cho cây còi cọc, cây có bộ rễ yếu nếu không hồi phục được sẽ bị chết
Ruồi vàng, ruồi giấm gây hỏng quả bơ
Ngoài các loài sâu bọ gây hại trên lá, cành, rễ… thì cũng cần chú ý đến các loài ruồi gây hại trên quả bơ, nhất là giai đoạn sắp thu hoạch, chúng để trứng trên quả, ấu trùng tìm cách xâm nhập và lớn lên bên trong quả, gây rụng quả non, thối trái, nứt trái, vỏ trái sần sùi… giảm năng suất cũng như giá trị thương phẩm
2 – Biện pháp phòng trừ sâu bọ côn trùng gây hại trên cây bơ
Biện pháp chung: Chủ yếu là sử dụng các thuốc hóa học có đặc tính thấm sâu, bám dính tốt, độc cao. Phun phòng trừ 1-2 tháng/lần. Vừa có tác dụng tiêu diệt trứng, ấu trùng vừa có khả năng xua đuổi con trưởng thành. Đặc biệt vào đầu mùa mưa, giai đoạn vũ hóa của hầu hết các loại côn trùng sâu bọ. Khi phun thuốc có thể pha chung với các loại phân bón lá, vừa tiết kiệm công lao động vừa giúp cây nhanh chóng phục hồi. Phun thuốc hiệu quả nhất là vào ngày mát trời, lặng gió, phun ướt đều 2 mặt lá. Có thể phun vào cành lá, gốc cây, vỏ cây để tiêu diệt trứng và ấu trùng
Đối với các loài sâu bọ hại rễ: Dùng thuốc trừ sâu dạng bột, bới rãnh quanh gốc, rắc thuốc và lấp lại. Có thể xử lý 2-3 lần mỗi lần cách nhau 15-20 ngày để tiêu diệt hoàn toàn ấu trùng và con trưởng thành trú ngụ trong đất
Đối với sâu đục cành, đục thân: Đây là sâu bệnh thường gặp nhất trên cây bơ, do đó phải thường xuyên thăm vườn, phát hiện sớm dấu hiệu gây hại (xuất hiện lỗ đục trên thân cây, xung quanh có xuất hiện mốc trắng kèm theo xì mủ, trên thân và dưới đất thấy có mùn cưa, chất thải bị đùn ra ngoài). Cạo lớp vỏ, tìm cách bắt con trưởng thành, hoặc dùng tăm bông tẩm thuốc nhét vào lỗ đục cành, đục thân
Đối với sâu bọ hại quả: Có thể phun thuốc để phòng trừ, tuy nhiên nên ưu tiên các biện pháp an toàn hơn như sử dụng bẫy ruồi vàng, túi bọc quả để bảo vệ quả.
3 – Các loại nấm bệnh trên cây bơ
Ngoài các nguyên nhân do sâu bọ côn trùng, thì hầu hết các bệnh trên cây bơ còn lại đều do các loại nấm gây ra. Bệnh do nấm nếu phát hiện sớm thường dễ dàng chữa dứt điểm. Do đó việc thăm vườn thường xuyên, kết hợp các biện pháp phòng trừ sớm là rất cần thiết
Bệnh thối rễ cây bơ – Phytophthora
Thường xuất hiện vào mùa mưa, đất ngập úng, thoát nước kém hoặc trồng quá sâu, không vun gốc làm nước đọng ở phần gốc. Nguyên nhân chính dẫn đến bệnh thối rễ là do nấm Phytophthora (Đây là chủng nấm gây ra các bệnh về rễ trên hầu hết các loại cây trồng, bao gồm tiêu, cà phê, cây ăn trái, rau củ quả… đặc biệt là bệnh chết nhanh chết chậm trên cây tiêu). Ngoài vấn đề thoát nước thì bón phân không cân đối, lạm dụng thuốc hóa học làm chết hệ vi sinh cũng là nguyên nhân gây ra bệnh thối rễ.
Dấu hiệu nhận biết là cây thường còi cọc, kém phát triển, lá rụng nhiều chỉ còn cành và lá. Đào bộ rễ lên thì thấy rất ít rễ tơ, một số rễ bị thâm đen, có mùi hôi
Bệnh đốm lá, đốm quả cây bơ – Cerocospora purpurea
Còn gọi là bệnh đốm mắt cua, đốm mắt ếch. Trên lá vết bệnh ban đầu có hình dáng tương đồng nhau, thường hình tròn, xuất phát từ mép lá, chính giữa sáng màu. Sau lan rộng và liên kết với nhau thành mảng. Lá bị bệnh sẽ vàng úa, khô héo rồi rụng dần. Trên quả bệnh gây ra những đốm nhỏ màu nâu, kích thước khoảng 5mm, về sau đậm màu dần. Lan rộng và liên kết thành mảng, làm vỏ bị sần sùi, phía trong cơm xuất hiện những hột cứng, nhẹ thì giảm giá trị, nặng có thể làm rụng trái, giảm năng suất
Bệnh khô cành cây bơ – Colletotrichum cloeosporiodes
Thường xuất hiện trên cành non, vỏ cây vẫn còn hiện diện của chất diệp lục chưa bị gỗ hóa. Đối với quả bệnh thường xuất hiện ở phần cuống, phần vỏ quả nằm cạnh nhau hoặc hay bị cọ xát vào thân cây. Khi nhiễm bệnh cành cây sẽ bị thâm đen rồi khô héo, trên quả thì làm cho thối cuống, thối quả, rụng nhiều, giảm năng suất
Bệnh héo rũ cây bơ – Verticillium albo-atrum
Triệu chứng thường thấy là một phần hoặc toàn bộ cây bị héo rũ, lá khô chuyển sang màu đen ngay trên cây mà không kịp rụng. Những cây trên 5 tuổi nhiều khả năng sẽ phục hồi nhưng sức sinh trưởng và năng suất sẽ kém hơn, cây mới trồng thường sức đề kháng kém, bộ rẽ chưa phát triển mạnh, sẽ chết mà không thể phục hồi
Bệnh thối thân xì mủ trên cây bơ
Tác nhân gây bệnh tương tự như bệnh thối rễ, đều do nấm Phytophthora gây ra. Bệnh thường xuất hiện với các triệu trứng: Vỏ cây nứt ra và chuyển thành màu đen, có mủ chảy dài từ vết bệnh, xung quanh thường xuất hiện nấm mốc màu trắng. Vị trí bệnh thường gặp nhất ở gần gốc, vị trí ghép (đối với bơ ghép), vị trí phân cành. Dùng dao cạo lớp vỏ thấy bên trong các mạch gỗ chuyển thành màu nâu đen.
4 – Cách phòng trừ nấm bệnh trên cây bơ
Biện pháp canh tác
- Nếu trồng bơ ghép ưu tiên từ khâu chọn cây giống, cây giống cần khỏe mạnh, không có dấu hiệu sâu bệnh. Vết ghép không bị hằn sâu, nổi u sần
- Ưu tiên trồng các giống bơ sinh trưởng mạnh, thích nghi rộng như giống bơ bút (booth), giống bơ reed, giống bơ pinkerton, giống bơ 034…
- Sử dụng phân bón cân đối giữa phân vô cơ và phân vô cơ
- Hàng năm bổ sung thêm các chế phẩm chứa nấm đối kháng Trichoderma thông qua phun xịt qua lá hoặc bón vào đất
- Thường xuyên thăm nom vườn tược, cắt bỏ những phần cây nhiễm bệnh mang đi tiêu hủy (đốt là tối ưu nhất)
- Khi trồng bơ, không nên trồng quá sâu, phần gốc nên vun cao tránh đọng nước
- Hàng năm sau vụ thu hoạch và đầu mùa mưa, cắt tỉa cành thông thoáng, tạo điều kiện để ánh sáng chiếu đều đến các khu vực của cây
- Dọn vườn thông thoáng, hạn chế cỏ dại, đặc biệt phần gốc cây
- Hàng năm nên dùng thuốc trị nấm (Ridomil) hoặc vôi quét lên gốc cây giúp tăng khả năng phòng nấm bệnh xâm nhập
Biện pháp hóa học
- Sử dụng các loại thuốc có gốc đồng (COC85), thuốc đặc trị nấm như Anvil, Aliette, Ridomil Gold… phun định kỳ 1-2 tháng/lần, nhất là trong mùa mưa, khi độ ẩm cao tạo điều kiện tốt cho nấm bệnh lây lan phát triển mạnh. Khi phun nên phun lên tất cả các bộ phận của cây, từ lá cành đến thân vỏ
- Riêng đối với bệnh thối thân xì mủ: Bà con nên dùng dao cạo sạch phần vỏ nhiễm bệnh (cạo đến tận lớp gỗ), sau đó dùng thuốc Ridomil pha đậm đặc quét lên. 7 ngày sau tiến hành lần thứ 2. Bệnh sẽ khỏi và lớp vỏ mới sẽ được hình thành lấp vào chỗ trống
Như vậy hy vọng qua bài viết này, bà con đã nắm thêm được một số loại sâu bệnh trên cây bơ thường gặp nhất. Kèm theo đó là phương pháp phòng trừ hiệu quả mà chúng tôi tổng hợp được. Chúc bà con thành công và có những vụ mùa bội thu!
Trường hợp có nhu cầu mua cây giống bơ các loại: Bơ bút 7, bơ hass, bơ reed, bơ pinkerton, bơ 034… bà con có thể liên hệ với chúng tôi theo thông tin sau
VƯỜN ƯƠM CÂY GIỐNG TIẾN ĐẠT
Địa chỉ cửa hàng: 280 Nguyễn Lương Bằng, TP. Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk
Địa chỉ vườn ươm: 304/57 Nguyễn Lương Bằng, TP. Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk
Điện thoại tư vấn: 0945 857 356 – Ngọc | Giấy phép kinh doanh: 40A8026362
Đánh giá sâu bệnh hại cây bơ
- Bệnh hại do côn trùng sâu bọ
- Bệnh hại do các loại nấm và vi khuẩn